27/05/2011 2:25:17 CH

Mùa hè là thời gian trẻ dễ bị tiêu chảy. Virus gây tiêu chảy tồn tại trong không khí nên cực kỳ dễ lây.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết phần lớn virus gây tiêu chảy tồn tại trong không khí. Chúng dễ phát triển khi điều kiện vệ sinh không bảo đảm và rất dễ lây chéo từ trẻ này sang trẻ khác dẫn tới dịch tiêu chảy.

Cha mẹ chủ quan, con bệnh nặng

Bác sĩ Thu Hương, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhận định số lượng bệnh nhi nhập viện do tiêu chảy cấp vào dịp hè bao giờ cũng cao hơn so với những mùa khác. Nguyên nhân do mùa hè oi bức, khiến thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn. “Chỉ cần để thức ăn ngoài trời hai giờ đồng hồ cũng trở thành nguồn nhiễm nguy hiểm đối với trẻ. Tác nhân gây nhiễm trùng đường tiêu hoá thường là độc tố do vi khuẩn tụ cầu vàng hoặc vi khuẩn E.coli. Trẻ có thể bị nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, mất nước. Nếu để tình trạng mất nước kéo dài, trẻ có thể suy kiệt và tử vong”, bác sĩ Hương cảnh báo.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động là khi trẻ bị tiêu chảy, nhiều bậc cha mẹ đã chủ quan, tự ý cho con dùng thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn khiến cơ thể không đào thải được chất độc ra ngoài làm cho bệnh tình nặng thêm.

Số trẻ nhập viện vì tiêu chảy vào mùa hè bao giờ cũng cao hơn mùa khác. Ảnh: Đ.Dũng


Trong điều trị tiêu chảy, bù nước oresol là phương pháp tốt nhất để chống mất nước gây rối loạn điện giải. Tuy nhiên, không ít trẻ bị rối loạn điện giải ở mức nguy hiểm do bố mẹ cho uống nước oresol không đúng cách như pha sai tỷ lệ. Trẻ bị rối loạn điện giải rất dễ lên cơn co giật, hôn mê, trụy mạch.

Bị tiêu chảy vẫn cần ăn đủ chất

Theo tiến sĩ Dũng, để phòng tránh tiêu chảy cấp cho trẻ, cha mẹ cần phải chú ý giữ vệ sinh cho trẻ, thực hiện ăn chín, uống sôi. Tuy nhiên, thức ăn khi nấu xong cũng sẽ nguội dần bằng với nhiệt độ trong phòng và vi khuẩn trong không khí sẽ bắt đầu xâm nhập. Vì vậy, nên ăn ngay thực phẩm vừa mới nấu hoặc phải đun sôi lại đồ ăn cũ trước khi ăn. Với những thức ăn chưa sử dụng hết, nếu muốn để dành lại bữa sau cũng cần phải đun lại cho sôi thật đều 5 - 10 phút.

Một điều đặc biệt đáng lưu ý theo bác sĩ Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều bà mẹ thấy con bị đi ngoài đã cho nhịn ăn, cho ăn ít hay chỉ ăn cháo muối, ruốc để trẻ bớt tiêu chảy. Thực chất trẻ không khỏi bệnh và làm tổn thương đường ruột, dẫn tới suy dinh dưỡng sau khi bị bệnh.

Vì vậy, khi bị tiêu chảy vẫn nên cho trẻ ăn đầy đủ dưỡng chất như bình thường, trừ các chất khó tiêu như bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn... Bác sĩ Thục cũng khuyến cáo cha mẹ nên lựa chọn thức ăn tươi, đặc biệt là thịt gà, cà rốt, chuối tiêu, sữa chua... có nhiều kẽm, kali và vi khuẩn sống trong sữa chua (giống như men tiêu hóa) rất tốt cho trẻ tiêu chảy, khi chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường hợp trẻ nôn trớ nhiều thì nên chia nhỏ bữa ăn.

Theo Đức Dũng
Đất Việt